Để tôi kể cho các bạn nghe về lý do vì sao lại có chủ đề “kiểu suy nghĩ đồng nát” ngày hôm nay nhé. Chẳng là cũng đã lâu rồi, khoảng 5-7 năm trước gì đó, thì khi đang vào lướt trên facebook thì tôi thấy có một quảng cáo về một dòng điều hòa 2 chiều inverter (tiết kiệm điện) đang được một cửa hàng giới thiệu. Lúc ấy đang là mùa đông, trong khi đó điều hòa mà tôi đang dùng lại là loại điều hòa 1 chiều (điều hòa lạnh cho mùa hè thôi). Sau khi xem thấy quảng cáo vì thích quá nên tôi đã quyết định thay thế điều hòa 2 chiều này cho cái tôi đang dùng. Và tôi định sẽ bán cái điều hòa cũ đi bù một phần tiền vào mua cái điều hòa 2 chiều mới. Thế là tôi gọi 1 cô đồng nát ở gần chỗ tôi tới và cũng mong là sẽ thu được 1 khoản từ chiếc điều hòa cũ đó. Khi cô đồng nát tới thì cũng ngó tới ngó lui một hồi, rồi tính toán, phần nào là nhựa rồi phần nào là sắt,…

Kết lại tôi hỏi “thế cái điều hòa này cô trả được giá bao nhiêu hả cô?” Câu trả lời của cô ấy làm tôi giật cả mình “100k cháu ạ” 😀 Má ơi, cái điều hòa của tôi đang dùng bình thường, mà trả rẻ dữ vậy, trả 1 triệu tôi còn không bán nữa là trả 100k à. Thấy thế, tôi cũng nói với cô đồng nát “cô xem thế nào chứ cháu thấy cô cũng có tuổi rồi cũng đi mua bán nhiều, sành sỏi về việc mua bán này rồi mà cô trả rẻ vậy?” “Không phải đâu cháu ơi, cô thu mua đồng nát nên cô tính giá điều hòa của cháu theo giá đồng nát thôi” – Cô đồng nát nói. Thế là tôi mới bảo “thôi cô xem thế nào, chứ giá đấy thì để cháu tìm xem chỗ khác thế nào rồi nếu cháu bán cho cô thì cháu sẽ gọi nhé”.

Và cũng từ câu chuyện đó mà tôi đã nghiệm ra được 1 lối suy nghĩ, tư duy mà tôi gọi là “kiểu suy nghĩ đồng nát”. Nghĩa là khi nhìn một sự vật (cái điều hòa) thì chỉ nhìn ở một khía cạnh của sự vật đó (mua điều hòa theo khía cạnh đồng nát) và tìm cách để giảm giá trị xuống theo khía cạnh nhìn nhận đó.

Và cũng chia sẻ luôn với các bạn là tôi không có ý định chê bai hay có ý kiến gì về nghề đồng nát hay những người đang làm nghề đồng nát. Bởi vì nếu trong hoàn cảnh tôi làm nghề đồng nát thì tôi cũng sẽ có suy nghĩ như vậy thôi. Ở đây tôi chỉ đang nói về cái kiểu suy nghĩ, cái tư duy theo kiểu “đồng nát” mà thôi.

Và để các bạn có thể dễ hình dung hơn thì tôi sẽ lấy một số ví dụ cụ thể nhé:

  1. Một người sếp không giỏi excel

Đây là câu chuyện mà tình cờ tôi gặp được trong cuộc sống của mình. Cũng một vài năm trước, tôi có ngồi uống cafe với một anh bạn làm cùng công ty cũ với tôi. Thì đi cùng ông anh tôi hôm ấy là một người đồng nghiệp làm cùng (mà tôi gọi là ông A). Khi ngồi trò chuyện với nhau thì cái ông A nói quá trời về những bức xúc với sếp của ông. Tôi thì cũng không muốn nghe những câu chuyện kiểu nói về người khác sau lưng như vậy. Nên định bụng chỉ ngồi một lát, đợi họ pha xong cốc cafe uống một ngụm rồi cũng kiếm cớ để đi thôi.

Nhưng mà chỉ trong lúc đợi pha cafe đó mà tôi đã phải nghe ông A chửi sếp của ông rất nhiều thứ. Trong đó có một thứ ông ấy nói mà tôi vẫn còn nhớ tới tận bây giờ. Nghĩa là ông ấy chê sếp của ông là có mấy cái hàm tính trong file excel cũng không làm được, cũng phải nhờ ông ấy làm thì không biết vì sao thằng đó nó lại lên làm sếp được. Ở đây tôi không nói quá lên đâu, mà ông ấy nói về sếp của mình không ra gì cả. Ông ấy còn bảo chưa gặp một thằng sếp nào mà ngu như vậy nữa. Thấy thế tôi mới giật mình (nhưng cũng không dám góp ý ở đó vì thể diện cho ông anh tôi nữa). Tôi nghĩ rằng việc ông sếp không giỏi excel thì liên quan gì tới việc chửi ông sếp ngu hay không vậy?. Và ông sếp đâu cần phải giỏi excel đâu khi mà có những người khác (ông ấy thuê về) để làm cho ông ấy những việc ấy. Việc quan trọng nhất của ông sếp là việc điều hành, quản trị doanh nghiệp để doanh nghiệp ngày càng phát triển lớn mạnh, đảm bảo cho cuộc sống của toàn thể nhân viên trong công ty. Vì vậy, tôi mới thấy kiểu suy nghĩ của ông A kia là “kiểu suy nghĩ đồng nát”. Ông A khi nhìn nhận về người sếp của mình thì lại đi xoáy vào cái việc giỏi excel, mà lại không nhìn rộng ra những thứ mà ông sếp ấy đang có để mà còn học hỏi. Không những thế, ông A còn vin vào cái thứ có thể mình giỏi (là excel) để dìm giá trị của ông sếp xuống. Như vậy là một cách nghĩ không công bằng một chút nào cả.

  1. Nói tiếng Anh

Một ví dụ khác cũng khá phổ biến về vấn đề “suy nghĩ kiểu đồng nát” đó là việc nói tiếng Anh. Khi lên trên mạng, tôi thấy nhiều ý kiến của một bộ phận chê những người CEO, những người nổi tiếng về việc phát âm tiếng Anh của họ. Nào là họ chê những người ấy phát âm không chuẩn, nói tiếng Anh vậy mà cũng có thể làm việc được với các đối tác nước ngoài, cũng có thể lên làm sếp, cũng có thể nổi tiếng được và họ cũng không hiểu nguyên nhân vì sao?

Có thể bạn cũng đâu biết rằng bạn đang mắc vào kiểu suy nghĩ đồng nát đó. Bởi giá trị của một người khi đứng ở một vị trí nào đó, đâu phải chỉ được đo bằng trình độ tiếng Anh hay cụ thể hơn là cách phát âm tiếng Anh chuẩn của họ? Cần phải có cái nhìn bao quát vào nhiều kỹ năng mà họ có, không chỉ là tiếng Anh. Và chúng ta cũng cần đặt câu hỏi “vì sao họ trở thành sếp”, “vì sao họ trở lên nổi tiếng?” Không phải ngẫu nhiên đâu mà đều có nguyên nhân cả đó. Có một hoặc nhiều kỹ năng nào đó mà họ có trong khi chúng ta chưa có. Vì vậy nếu bạn có suy nghĩ đồng nát thì khó có thể phát triển được. Vì lúc ấy bạn sẽ bịt mọi cánh của để học hỏi, bạn sẽ cho mình là giỏi nhất (theo cái suy nghĩ của mình). Và chính điều ấy sẽ là rào cản cho sự phát triển trong cuộc sống, trong sự nghiệp của các bạn đấy.

Nói tiếp về chủ đề nói tiếng Anh không chuẩn này, tôi có thể ra rất nhiều ví dụ về những người nổi tiếng trên thế giới mà nói tiếng Anh không chuẩn. Như Cristiano Ronaldo, mặc dù đi đá bóng ở nhiều nước trên thế giới và thường xuyên sử dụng tiếng Anh để giao tiếp nhưng CR7 nói tiếng Anh đâu có chuẩn. Hay một trường hợp khác trong giới bóng đá nổi tiếng là một huấn luyện viên được đánh giá rất cao về khả năng ngôn ngữ (có thể nói được 5 thứ tiếng) nhưng ông ấy nói tiếng Anh cũng đâu có chuẩn. Huấn luyện viên mà toi đang nói tới chính là Jose Mourinho đó các bạn. Nhưng chúng ta không thể đưa ra lý do vì tiếng Anh của Ronaldo, Mourinho không chuẩn để phủ nhận tài năng của họ được.

Vì vậy tiếng Anh cũng chỉ là một trong những kỹ năng trong cả một bộ kỹ năng giúp chúng ta phát triển sự nghiệp, phát triển cuộc sống. Và cũng tùy theo mục đích hướng tới của mỗi người mà việc trau dồi tiếng Anh sẽ như thế nào. Với bản thân tôi, thì tôi rèn luyện tiếng Anh ở mức mà có thể nói chuyện giao tiếp cho người nước ngoài hiểu được là được, chứ tôi không đặt nặng việc bắt buộc phải phát âm cho thật chuẩn. Vì tôi biết rằng để phát âm chuẩn tiếng Anh thì tôi cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng để làm gì? Trong khi thời gian đó tôi có thể dành ra để trau đồi rèn luyện các kỹ năng khác. Và các kỹ năng đó kết hợp với tiếng Anh thì mới tạo lên bộ kỹ năng giúp tôi tồn tại và phát triển trong cuộc sống này.

Cũng còn một số ví dụ nữa mà tôi có thể dẫn chứng ra cho các bạn để hiểu hơn về lối tư duy đồng nát này. Tuy nhiên, bài viết này cũng đã dài rồi nên tôi sẽ dành các ví dụ ấy chia sẻ vào bài lần sau các bạn nhé.

Vậy nếu mà dính tư duy đồng nát thì sẽ như thế nào?

Nếu mà bạn có kiểu suy nghĩ, tư duy đồng nát thì sẽ rất là nguy hiểm và rất khó để bạn có thể phát triển trong công việc, trong cuộc sống. Bởi khi bạn có suy nghĩ đó thì khi nhìn một sự việc sẽ chỉ nhìn vào một mặt nào đó và đưa ra nhận xét (hay nói cách khác là phán) về cả sự việc đó. Bạn sẽ không để ý tới những mặt khác của vấn đề mà trong khí đó chính những mặt khác mới có thể là những mặt quan trọng để ta có thể đưa ra nhận xét về sự việc đó. Và khi bị tư duy đồng nát, bạn sẽ có xu hướng chỉ dựa vào điểm mạnh của mình để áp sang cho người khác và dựa vào đó để dìm họ xuống thấp hơn mình. Điều đó thực sự là không có lợi một chút nào cho bạn. Bởi xã hội luôn vận động không ngừng, và chúng ta không thể biết được mọi thứ vì vậy mà cần phải học hỏi liên tục mỗi ngày. Kiến thức, kỹ năng hôm nay mà bạn biết có thể hôm sau đã trở thành cũ và cần phải update lại. Và khi có cái nhìn toàn cảnh đối với sự việc, người nào đó thì chúng ta sẽ có thể khai mở, sẵn sàng để đón nhận những kiến thức, những kỹ năng mà người khác có trong khi chúng ta lại không có. Và đó chính là cách để chúng ta ngày càng phát triển hơn nữa.

Hi vọng qua bài viết này, các bạn đã nắm được kiểu suy nghĩ, tư duy đồng nát là gì và cũng hiểu được sự nguy hiểm nếu mà dính tư duy đồng nát. Và giả sử như bạn đang dính tư duy đó thì hoàn toàn có thể thay đổi để ngày càng hoàn thiện, phát triển hơn mỗi ngày.

Xin chào và hẹn gặp lại các bạn.