Mến chào những người bạn thân thương của tôi!

Một tuần làm việc mới lại bắt đầu. Tôi xin chúc các bạn một tuần mới luôn tràn đầy sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc. Tôi không nhắc tới việc chúc các bạn thành công bởi với tôi đích đến cuối cùng trong cuộc sống này cũng chính là hạnh phúc. Vì vậy, tôi chúc các bạn hạnh phúc thì cũng chứa sự thành công trong đó rồi đúng không nào?

Nghe tiêu đề chia sẻ hôm nay chắc các bạn cũng đang hơi băn khoăn khó hiểu một chút đúng không? Cái gì mà vừa vừa mà lại ăn cái bự bự ? Tôi cũng cố tình đưa cái chủ đề hơi khó hiểu chút như vậy đó, để làm tăng sự bí hiểm cho bài chia sẻ một chút mà. >>

Chúng ta đều mong muốn đạt được những điều to lớn trong cuộc sống (mà tôi gọi là cái bự bự). Tuy nhiên cuộc sống của chúng ta lại có nhiều khía cạnh: Từ tài chính cho tới sức khỏe, mối quan hệ, … Và khi chúng ta đạt được điều to lớn trong 1 khía cạnh nào đó thì có thể các khía cạnh khác chúng ta lại khó có thể cân bằng được? Và đó cũng chính là lý do mà tôi chia sẻ chủ đề ngày hôm nay. Chúng ta hãy cùng nhau đi phân tích xem vậy rút cuộc “vừa vừa ăn cái bự bự” nghĩa là như thế nào nhé!

Trước khi đi vào phân tích ý nghĩa của chủ đề ngày hôm nay, tôi muốn hỏi các bạn một câu hỏi “10 + 1 so với 6 + 6 thì theo bạn cái nào lớn hơn?” Tất nhiên là 6 + 6 sẽ lớn hơn 10 + 1 rồi. (6 + 6 = 12, trong khi 10 + 1 = 11).

Tôi đặt câu hỏi phép tính này cũng có dụng ý cả đó nha. Giả sử có 2 khía cạnh trong cuộc sống là tài chính và hạnh phúc và thang điểm cho mỗi khía cạnh là từ 1 cho tới 10. Có thể bạn đạt được khía cạnh tài chính là 10 điểm nhưng hạnh phúc chỉ đạt 1 điểm. Như vậy bạn có tổng điểm là 10 + 1 = 11. Trong khi đó tôi khía cạnh tài chính chỉ đạt 6 điểm, nhưng hạnh phúc tôi cũng cố gắng và cũng đạt được 6 điểm và tổng điểm tôi có là 6 + 6 = 12 điểm. Vậy theo bạn cuộc sống của bạn hay của tôi sẽ tốt hơn? Câu trả lời còn phụ thuộc vào quan điểm sống của mỗi người. Tuy nhiên, với quan điểm của riêng tôi thì 12 điểm vẫn sẽ tốt hơn 11 điểm. Để các bạn có thể hiểu hơn về vấn đề này, tôi sẽ lấy một số ví dụ cụ thể trong cuộc sống.

Chắc hẳn các bạn đã từng tới câu châm ngôn (mà tôi cho là châm ngôn tếu trên mạng) “Thà khóc trên mercedes còn hơn cười sau xe đạp”. Trong cuộc sống hiện nay đâu đâu cũng thấy hô hào là phải sống thực tế, kiểu có thực mới vực được đạo ấy. Và câu châm ngôn trên cũng đại diện cho quan điểm đó của nhiều người và nhiều người cũng lấy câu đó là kim chỉ nam cho mọi hành động của họ. Nghĩa là họ có thể làm mọi cách để đạt được cuộc sống sung túc về mặt tài chính, còn các mặt khác thì lại dường như đều bỏ qua. Điều này cũng đang rơi vào tình trạng 10 + 1 như tôi phân tích ở trên. Việc ngồi trên chiếc xe mercedes là mong ước của rất nhiều người trong xã hội và đó là đỉnh cao của thành công và tôi cho đạt 10 điểm. Nhưng ngồi trên xe mercedes mà lại khóc thì ở khía cạnh hạnh phúc chỉ đạt 1 điểm.

Vậy câu hỏi đặt ra tại sao lại phải đặt mình vào cái thế phải chọn lựa 10 điểm (ngồi trên xe mercedes) nhưng lại phải khóc ( 1 điểm) mà không chọn ngồi cười ở trên một chiếc xe Toyota. Chiếc xe Toyota tuy không bằng được xe mercedes nhưng nó cũng đạt được thang điểm 6, trong khi đó bạn cười hạnh phúc trên chiếc xe đó thì cũng là đạt tầm 6 điểm. Như vậy có phải là hơn so với việc khóc trên xe mercedes hay không? Điều đó lại tùy thuộc vào cách nghĩ và nhìn nhận của mỗi người. Như tôi cũng đã nói ở trên, bài chia sẻ này là quan điểm cá nhân của tôi trong cuộc sống và tôi chỉ muốn cùng chia sẻ với các bạn. Nếu các bạn đồng cảm với toi thì tôi rất vui và trân trọng. Tuy nhiên, nếu bạn có quan điểm khác thì tôi cũng tôn trọng ý kiến của bạn và chúng ta vẫn vui vẻ với nhau đúng không nào ?

Cũng phải nói thêm là quan điểm của tôi là sẽ cười trên chiếc xe Toyota hay Honda hoặc Kia gì đó chứ tôi không khóc trên chiếc xe Mercedes và tôi cũng càng không chọn việc cười trên xe đạp.

Trong cuộc sống ai cũng muốn là cười trên xe mercedes cả và tôi cũng vậy mà. Tuy nhiên cuộc sống lại không vận hành theo cách như vậy. Bạn đạt được 1 điểm cực đại trong 1 khía cạnh nào đó trong cuộc sống đồng nghĩa với việc bạn phải đánh đổi điểm số thấp trong các lĩnh vực khác. Và quan điểm của tôi là cùng phát triển đồng đều các khía canh của cuộc sống ở mức vừa phải. Chứ không hoàn toàn tập trung vào một lĩnh vực nào đó mà bỏ đi các khía cạnh khác của cuộc sống.

Bây giờ chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề trong lĩnh vực học tập. Khi đi học để có thể đạt được học sinh giỏi hay tiên tiến thì các môn học của bạn phải đạt trên một mức điểm nào đó (tôi nhớ không nhầm là thấp nhất là trên 6 điểm/môn). Vì vậy cho dù tất cả các môn bạn đều đạt ở mức 8 điểm trở lên nhưng lại có 1,2 môn bạn đạt dưới 6 điểm thì như vậy tổng kết lại bạn vẫn không đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Đó cũng là một ví dụ minh chứng cho việc vừa vừa có khi lại thắng cái bự bự là như vậy đấy.

Một ví dụ khác đó là xung quanh tôi có rất nhiều phụ nữ (là những người bạn và cả những người chị của tôi) dù đã hơn 30, có người đã tới 40 rồi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Và tôi nhận ra một điểm chung của những phụ nữ này là họ đều có tham vọng quá lớn trong sự nghiệp. Và để giải thích cho việc không lập gia đình họ thường nói là do họ đang tập trung vào sự nghiệp và cuộc sống hiện nay họ đang tốt đẹp nên có gì phải buồn đâu khi chưa lập gia đình? Tuy nhiên, có những lúc họ đã tâm sự thật lòng với tôi là họ cảm thấy chạnh lòng, cô đơn khi trở về nhà sau những lúc cống hiến hết mình cho công việc. Tôi cũng hoàn toàn đồng cảm với việc này bởi cho dù sự nghiệp của bạn có phát triển thế nào đi chăng nữa thì cũng có lúc bạn sẽ cảm thấy một chút cô đơn, một chút trống vắng khi nhìn lại không có ai ở bên cạnh. Vì vậy với quan điểm của tôi vẫn là làm sao để phát triển đồng đều các khía cạnh của cuộc sống là điều tốt nhất.

Một người anh của tôi cũng rất thành đạt và giàu có trong xã hội. Anh ấy có một biệt thự lớn mà nhiều người nhìn vào đều phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên, tôi lại thấy anh ấy hiếm khi trở về căn nhà đó. Sau mỗi giờ làm, anh ấy đều gọi cho hết người bạn này tới nhóm bạn khác để rủ đi chơi, đi nhậu,… cho tới tận đêm khuya mới trở về nhà. Cũng thấy hơi lạ nên tôi mới hỏi vì sao anh lại không hay về nhà? Anh ấy cũng tâm sự với tôi là về nhà cũng có gì vui đâu, anh ấy cảm thấy buồn. Vì anh ấy có mọi thứ nhưng về nhà không có ai, vợ con rồi mọi thứ tam đàn xẻ nghé cả rồi. Vậy nên anh ấy đã đạt 10 điểm trong sự nghiệp nhưng lại chỉ đạt 1 điểm (thậm chí còn 0 điểm) trong hạnh phúc gia đình. Theo bạn, liệu điều đó có đáng không?

Qua những ví dụ thực tế xung quanh cuộc sống của tôi, tôi đã phân tích cho các bạn thấy được ý nghĩa của chủ đề “vừa vừa lại ăn cái bự bự” là như nào rồi. Và theo quan điểm của tôi, cuộc sống của chúng ta cần cân bằng được các khía cạnh khác nhau về: Tài chính, sức khỏe (gồm cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần, tình yêu, các mối quan hệ,… Và tôi mong muốn cuộc sống của mình với tổng điểm của các khía cạnh sẽ lớn hơn vế bên kia, cái vế mà chỉ 1, 2 khía cạnh có điểm số lớn còn các khía cạnh khác lại bé. Và cụ thể, mức điểm mà tôi mong muốn đó là có thể là 6+7, 7+8 hoặc 8+8 chứ không phải là mức điểm 10+1 hay 10+0. Đó là quan điểm của tôi, còn bạn thì sao? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn nhé.